Sập mỏ vàng kinh hoàng; Thảm cảnh bệnh viện HQ; Nga vây đánh Robotyne; Thách thức bủa vây Ukraine; Bất ổn ở Tây Phi

Video mỏ vàng sập kinh hoàng ở Venezuela, ít nhất 30 người thiệt mạng

Lực lượng cứu hộ tìm thấy ít nhất 30 thi thể sau khi khối đất đổ sập, vùi lấp các công nhân đang làm việc tại một mỏ vàng lộ thiên ở bang Bolivar.

Theo tờ Daily Mail (Anh), ít nhất 30 người Venezuela được cho là đã thiệt mạng sau khi một mỏ vàng trái phép bị đổ sập, khiến hơn 100 người mắc kẹt.

Khối đất khổng lồ ở mỏ vàng bất hợp pháp đang khai thác, có tên Bulla Loca, đã sụp đổ ngày 21/2, dẫn đến một nỗ lực giải cứu cấp bách ở thị trấn La Paragua xa xôi thuộc bang Bolivar.

Theo các quan chức, khoảng 200 người được cho là đang làm việc tại mỏ, cách thị trấn gần nhất, La Paragua, 7 giờ đi thuyền.

Thị trưởng Yorgi Arciniega nói với kênh CNN tiếng Tây Ban Nha rằng hàng chục thợ mỏ vẫn bị mắc kẹt và các đội cứu hộ đã được điều động đến khu vực hẻo lánh.

Những đoạn video về hiện trường cho thấy các công nhân không có thiết bị phù hợp đang cố gắng đào bới để đưa những người thợ bị mắc kẹt ra khỏi mỏ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Dân sự Carlos Perez Ampueda đã công bố một đoạn video về vụ việc trên mạng xã hội X và đề cập đến số thương vong “khủng khiếp”, dù không cung cấp con số chính xác.

Đoạn video cho thấy một bức tường đất từ từ sụp đổ đè lên những người đang làm việc ở vùng nước nông của một mỏ vàng lộ thiên. Một số người đã nhanh chân chạy thoát trong khi những người khác bị vùi lấp.

Ông Edgar Colina Reyes, Bộ trưởng Công an bang Bolivar, cho biết những người bị thương đã được chuyển đến bệnh viện ở thủ phủ khu vực Ciudad Bolivar.

Ông Reyes cho biết quân đội, lính cứu hỏa và các tổ chức khác đang “di chuyển đến khu vực thảm hoạ bằng đường hàng không” để đánh giá tình hình. Các đội cứu hộ cũng đang được điều đến từ Caracas để hỗ trợ tìm kiếm.

Vùng Bolivar rất giàu vàng, kim cương, sắt, bauxite, thạch anh và coltan. Ngoài các mỏ quốc doanh, một ngành công nghiệp khai thác trái phép cũng bùng nổ ở khu vực này.

“Điều này chắc chắn sẽ xảy ra”, cư dân Robinson Basanta nói, nhắc đến điều kiện làm việc không an toàn của các thợ mỏ, hầu hết họ đều sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.

Ông nói: “Mỏ này đã mang lại rất nhiều vàng… Mọi người đến đó vì nhu cầu cần thiết để kiếm sống”.

Vào tháng 12 năm ngoái, ít nhất 12 người đã thiệt mạng khi một mỏ than ở cộng đồng người bản địa Ikabaru, cùng khu vực, cũng bị sập.

Tình cảnh tại bệnh viện ở Hàn Quốc lúc này: Hơn 9.000 bác sĩ bỏ việc, người bệnh mệt mỏi chờ được thăm khám

Việc các bác sĩ thực tập đồng loạt nghỉ việc đã khiến các trung tâm y tế tại Seoul, Hàn Quốc vật lộn tiếp nhận các bệnh nhân.

Kể từ ngày 20/02, hàng loạt các bác sĩ thực tập, bác sĩ nội trú tại các bệnh viện Hàn Quốc đã nộp đơn xin nghỉ việc tại bệnh viện và các cơ sở y tế để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh trường y tại quốc gia này. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế thứ hai Park Min-soo, tính đến tối ngày 21/02, đã có khoảng 9.275 bác sĩ thực tập sinh nộp đơn từ chức và 8.024 người trong số họ đã rời khỏi nơi làm việc của mình.

Việc 74.4% số bác sĩ thực tập, bác sĩ nội trú đình công đã khiến cho các bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul và các nơi khác phải vật lộn để chữa trị cho các bệnh nhân đến thăm khám tại đây, khiến cho các cơ sở y tế rơi vào cảnh quá tải dù đã tăng giờ làm và nhờ sự trợ giúp của các bệnh viện quân đội.

Một y tá tại bệnh viện nhi của SNUH đã thông báo cho bệnh nhân và phụ huynh rằng hiện tại, tất cả các dịch vụ đều không có sẵn do không có bác sĩ và các ca phẫu thuật cũng như các hoạt động khác sẽ chỉ được thực hiện vào cuối tháng 8 nếu đợt đình công hiện tại kéo dài.

Tại bệnh viện Severance, Kasia, một bà mẹ người Ba Lan và cô con gái 11 tuổi Aniela đã phải chờ gần một tiếng đồng hồ để đặt lịch hẹn cho cánh tay bị gãy của con gái vì các dịch vụ của bệnh viện đang quá tải.

"Con bé bị gãy tay ba tuần trước và hôm nay chúng tôi đến đây để bác sĩ tái khám. Tôi đã đọc tin tức về cuộc đình công của các bác sĩ nhưng không nghĩ chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như vậy." - Cô Kasia nói.

Trong khi đó, một cô gái ở độ tuổi 20 đã bày tỏ sự phẫn nộ về việc các dịch vụ bị trì hoãn nghiêm trọng trong khi xếp hàng tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Severance để chờ khâu lại vết thương của em gái.

Cô nói: "Tôi không hiểu tại sao điều này lại diễn ra. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành bệnh nhân bất cứ lúc nào. Một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, mà mỗi giây đều quý giá, có thể chết trên đường nếu không được bác sĩ chăm sóc".

Ngoài ra, cư dân mạng Hàn Quốc còn phàn nàn trên một diễn đàn trực tuyến: "Mẹ chồng tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu. Ban đầu bà dự kiến sẽ phẫu thuật vào tháng 3 năm nay, nhưng không ngờ vì làn sóng đình công, cuộc phẫu thuật đã bị hoãn vô thời hạn."

Các nguồn tin y tế cho biết, việc các bác sĩ thực tập đình công đang làm dấy lên mối lo ngại về "khoảng trống dịch vụ chăm sóc sức khỏe", khi hoạt động của các phòng phẫu thuật tại 5 bệnh viện đa khoa lớn nhất ở Seoul đã bị cắt giảm tới 50%.

Tuy nhiên, bất chấp lệnh quay trở lại làm việc của chính phủ, các bác sĩ thực tập vẫn không có dấu hiệu lùi bước.

40.000 quân Nga vây đánh Robotyne: Hỏa lực trút dữ dội, quân Ukraine bị đánh bật liên tiếp chỉ sau 4 ngày

40.000 quân Nga xung quanh Robotyne đang phát động các đợt tấn công dữ dội vào khu vực này. Phía Ukraine cho biết, tình hình hiện tại "rất căng thẳng".

40.000 quân Nga vây đánh Robotyne

Tờ Telegraph (Anh) ngày 21/2 cho hay, Nga đang tận dụng đà tiến sau chiến thắng ở Avdiivka để tái triển khai quân tới các khu vực khác của tiền tuyến. Tâm điểm hiện nay là ngôi làng Robotyne ở mặt trận Zaporizhzhia, miền nam Ukraine.

Theo thông tin mà tờ báo Anh có được, hiện Nga đã tập trung 30.000 – 40.000 quân xung quanh Robotyne và đang tăng cường các cuộc tấn công vào khu vực này trong tuần qua. Trong khi đó, theo hãng tin CNN (Mỹ), lực lượng Nga mà đang tập hợp quanh Zaporizhzhia lên tới 50.000 quân.

Hãng thông tấn AFP hôm 19/2 dẫn lời người đại diện phát ngôn của quân đội Ukraine xác nhận: "Tình hình ở đây (Zaporizhzhia) rất căng thẳng, lực lượng Nga đang tấn công dữ dội".

Theo thông báo của Quân đội Ukraine, Nga đã phát động các đợt tấn công liên tiếp trong 4 ngày (từ 17 – 20/2) nhằm vào Robotyne với sự tham gia của số lượng lớn binh sĩ cùng xe bọc thép, và đang tiếp tục triển khai các đợt tập kích mới. Chỉ riêng trong ngày 17/2, đã có ít nhất 30 xe tăng-thiết giáp của Nga tham gia tấn công vào phòng tuyến Ukraine, chưa kể tới các phương tiện chiến đấu khác.

Nga từng giành được quyền kiểm soát Robotyne ngay sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine tháng 2/2022. Tuy nhiên, tới tháng 8/2023, Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát ngôi làng này sau nhiều tuần giao tranh ác liệt nhằm xuyên thủng hệ thống phòng thủ dày đặc được Nga thiết lập trong khu vực.

Nga đánh bật quân Ukraine ra khỏi nhiều vị trí

Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) ngày 22/2 thông báo, các đơn vị lính dù Nga vừa đánh bật lực lượng vũ trang Ukraine ra khỏi nhiều vị trí trên khu vực Zaporizhzhia.

"Hiện tại, tình hình dù còn phức tạp nhưng về cơ bản đã được kiểm soát. Chúng tôi đang dần đánh bật đối phương ra khỏi phòng tuyến" – Một chỉ huy tổ lái xe tăng có biệt danh "Spartak" nói với RIA Novosti.

Spartak cho biết, Nga tiến hành trinh sát khu vực bằng máy bay không người lái, sau đó chuyển dữ liệu mục tiêu cho các kíp xe tăng. Hỏa lực được khai hỏa từ các vị trí đóng quân cách mục tiêu lên tới 10km.

Trước đó, các bước tiến của Nga trong những ngày qua cũng được truyền thông phương Tây đề cập.

Theo tờ New York Times (Mỹ) ngày 21/2, bản đồ chiến trường do các nhóm phân tích độc lập cung cấp cho thấy Nga đã đạt được những bước tiến ở phía tây và phía nam Robotyne.

Trước đó 2 ngày, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho biết lực lượng Nga đã tiến tới vùng ngoại ô phía tây của ngôi làng này.

Chiến thuật đang được Nga sử dụng là tấn công vào hai bên sườn của khu vực và triển khai các nhóm tấn công nhỏ, được yểm trợ bởi xe bọc thép, để dần dần chiếm lại những vùng đất nhỏ.

Cảnh quay định vị địa lý được công bố gần đây đã ghi lạ cảnh máy bay không người lái tấn công của Nga đánh vào chiến hào do Ukraine trấn giữ, chỉ cách Robotyne vài trăm thước về phía nam.

Rybar – kênh Telegram quân sự nổi tiếng của Nga – cho biết, lực lượng Nga đã giành được vị trí ở vùng ngoại ô phía nam Robotyne và giao tranh hiện đang diễn ra bên trong ngôi làng.

Ông Paroinen đến từ Black Bird Group – một tổ chức cung cấp thông tin tình báo mở tại Phần Lan – cho biết Nga đã giành lại được một số công sự bị mất về tay Ukraine trong cuộc phản công do Kiev phát động mùa hè năm ngoái.

Theo ông Paroinen, Robotyne không dễ để Ukraine phòng thủ vì lực lượng Nga đang kiểm soát các vùng đất cao xung quanh khu vực.

"Nhìn chung, đó là một vấn đề lớn đối với Ukraine" - ông Paroinen nói, đồng thời xác nhận thông tin Nga đã bố trí 3 sư đoàn xung quanh Robotyne, với quân số từ 30.000 đến 40.000 binh sĩ, trong đó có một số đơn vị lính dù tinh nhuệ.

Ông Kuzan, từ Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine, nhận định rằng, một phần binh sĩ Nga tham chiến ở Avdiivka có thể sẽ được Nga tái triển khai tới Robotyne để hỗ trợ lực lượng tấn công tại đây.

Việc phương Tây trì hoãn các gói hỗ trợ quân sự đã làm suy yếu khả năng của Ukraine trong việc ngăn chặn các đợt tấn công của Nga dọc chiến tuyến.

Trong bài phát biểu hàng đêm ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, "tình hình đang cực kỳ khó khăn đối với Ukraine ở một số khu vực của tiền tuyến, nơi quân đội Nga đã tích lũy tối đa lực lượng dự bị".

Trả lời phỏng vấn của trang tin News.ru ngày 21/1, chuyên gia quân sự Nga Anatoly Matviychuk nhận định, nhiều khả năng ngay trong năm nay, 3 vùng Nikolaev, Kharkov và Zaporizhzhia sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Nga.

Nga tung thế trận áp đảo, loạt thách thức bủa vây Ukraine

Quân đội Ukraine đối mặt với hàng loạt thách thức trong cuộc chiến với Nga khi nỗ lực viện trợ của phương Tây bị gián đoạn.

Khi cuộc chiến Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ ba, lực lượng bộ binh của Lữ đoàn 59 đang phải đối mặt với một thực tế ảm đạm: họ sắp hết binh lính và đạn dược để đối phó với Nga.

Một chỉ huy trung đội có biệt danh "Tygr" ước tính lực lượng chỉ còn khoảng 60-70% trong số vài nghìn binh sĩ của lữ đoàn kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra. Số còn lại đã thiệt mạng, bị thương hoặc giải ngũ vì những lý do như tuổi già hoặc bệnh tật.

Ngoài thương vong nặng nề do các cuộc giao tranh khốc liệt với Nga, lực lượng Ukraine còn phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt ở mặt trận phía đông. Nhiệt độ ấm áp khiến mặt đất đóng băng biến thành lớp bùn dày, gây tổn hại cho sức khỏe của binh lính.

"Trời cứ mưa, tuyết, rồi lại mưa, tuyết. Các binh lính bị cúm hoặc đau thắt ngực. Họ phải nghỉ chiến đấu một thời gian, nhưng không có ai thay thế họ. Vấn đề cấp bách trước mắt của mỗi đơn vị là thiếu quân", một đại đội trưởng trong lữ đoàn có biển danh "Limuzyn" cho biết.

Trong những tháng gần đây, Nga đã đạt được những bước tiến trên chiến trường. Tuần trước, Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka ở vùng Donetsk phía đông, nơi đang nổ ra giao tranh khốc liệt.

Người phát ngôn của Lữ đoàn xung kích độc lập số 3 của Ukraine, một trong những đơn vị đang nỗ lực giành lại Avdiivka, cho biết quân phòng thủ Ukraine ít hơn quân tấn công Nga với tỷ lệ 1 chọi 7.

Hãng tin Reuters đã trao đổi với hơn 20 binh sĩ và chỉ huy các đơn vị bộ binh, máy bay không người lái và pháo binh của Ukraine trên các khu vực khác nhau của chiến tuyến dài 1.000km ở miền đông và miền nam.

Mặc dù vẫn có động lực chiến đấu với Nga, nhưng họ cũng thừa nhận những thách thức trong việc cầm chân một đối thủ lớn hơn và được trang bị tốt hơn, trong bối cảnh sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây chậm lại bất chấp lời kêu gọi ngày càng nhiều từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Một chỉ huy khác của Lữ đoàn 59, với biệt danh Hryhoriy, đã mô tả các cuộc tấn công không ngừng nghỉ từ các nhóm gồm 5-7 binh lính Nga. Họ tiến công 10 lần một ngày trong các chiến dịch rất tốn kém đối với Nga, nhưng là mối đe dọa lớn đối với quân đội Ukraine.

"Khi một hoặc hai vị trí phòng thủ phải chống chọi với những cuộc tấn công này cả ngày, binh lính sẽ cảm thấy mệt mỏi", Hryhoriy nói khi ông và những người lính kiệt sức của mình được lệnh di chuyển trong khoảng thời gian ngắn ra khỏi tiền tuyến gần thành phố Donetsk do Nga kiểm soát ở phía đông.

"Vũ khí bị hỏng và nếu không thể tiếp thêm đạn dược hoặc thay đổi vũ khí, bạn có thể hiểu điều này sẽ dẫn đến chuyện gì", Hryhoriy nói thêm.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ivan Havryliuk nói với Reuters rằng Ukraine đã buộc phải vào thế phòng thủ do thiếu đạn pháo và rocket, đồng thời Kiev dự đoán Nga sẽ tăng cường tấn công trên một số mặt trận.

"Nếu tiếp tục chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự cần thiết, tình hình ở mặt trận có thể còn trở nên khó khăn hơn đối với chúng tôi", Thứ trưởng Havryliuk cảnh báo.

Kiev phụ thuộc chủ yếu vào tiền và trang thiết bị từ nước ngoài để viện trợ cho cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh 61 tỷ USD viện trợ của Mỹ chưa được thông qua, Ukraine đang phải đối mặt với tình thế khó khăn hơn bao giờ hết kể từ khi bắt đầu xung đột.

Một binh lính trong đơn vị pháo GRAD cho biết đơn vị này sử dụng đạn pháo do Liên Xô thiết kế mà một số đồng minh của Ukraine sở hữu. Tuy nhiên, đơn vị hiện chỉ hoạt động với khoảng 30% công suất tối đa.

"Không có nhiều đạn dược nước ngoài", binh lính Ukraine thừa nhận.

Đạn pháo cũng đang bị thiếu hụt do các nước phương Tây không thể theo kịp tốc độ cung cấp cho một cuộc chiến kéo dài. Ngoài việc Mỹ tạm dừng nguồn cung, Liên minh châu Âu (EU) còn thừa nhận họ sẽ không đạt được khoảng một nửa trong mục tiêu cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3 tới.

Michael Kofman, chuyên gia quân sự về Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, ước tính tốc độ bắn của pháo binh Nga gấp 5 lần so với Ukraine.

"Ukraine không nhận được đủ lượng đạn pháo để đáp ứng nhu cầu phòng thủ tối thiểu và đây không phải là một tình huống bền vững trong tương lai", chuyên gia Kofman nhận định.

Trong thư gửi EU, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov gần đây đã đề cập đến tình trạng thiếu hụt đạn pháo của Ukraine là vấn đề "nghiêm trọng". Bức thư cho biết "yêu cầu tối thiểu quan trọng hàng ngày" của Ukraine là 6.000 quả đạn pháo, nhưng lực lượng Ukraine chỉ có thể bắn 2.000 quả mỗi ngày.

Mặc dù chiến tuyến phần lớn bị đình trệ trong 14 tháng qua, Nga hiện vẫn kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea được sáp nhập vào năm 2014.

Ngoài pháo binh, một trận chiến khác đang nổ ra trên bầu trời Ukraine, khi cả hai bên đều cố gắng chiếm thế thượng phong về công nghệ máy bay không người lái.

Máy bay không người lái (UAV) được sản xuất với chi phí rẻ và có thể giám sát chuyển động của đối phương cũng như thả bom với độ chính xác cao.

Kiev đã chứng kiến sự bùng nổ trong sản xuất và đổi mới máy bay không người lái, đồng thời đang phát triển các máy bay không người lái tầm xa, tiên tiến, trong khi Nga đã vượt xa đối thủ bằng các khoản đầu tư khổng lồ, cho phép nước này vô hiệu hóa lợi thế ban đầu của Ukraine.

Bộ trưởng Kỹ thuật số Mykhailo Fedorov xác nhận, chỉ riêng về phía Ukraine, hơn 300.000 máy bay không người lái đã được các nhà sản xuất đặt hàng vào năm ngoái và hơn 100.000 chiếc đã được gửi ra mặt trận.

Limuzyn, chỉ huy đại đội của Lữ đoàn 59, cho biết việc Nga sử dụng rộng rãi máy bay không người lái khiến quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc thiết lập hoặc củng cố các vị trí kiên cố.

"Lực lượng của chúng tôi bắt đầu hành động. Sau khi máy bay không người lái đầu tiên phát hiện mục tiêu, chiếc thứ hai được triển khai để thả đạn", Limuzyn nói.

Khi việc sử dụng máy bay không người lái ngày càng tăng, cả hai bên đang tăng cường triển khai các hệ thống tác chiến điện tử có thể làm gián đoạn tần số truyền lệnh từ người điều khiển đến máy bay không người lái, khiến chúng rơi khỏi bầu trời hoặc đánh trượt mục tiêu.

Bất ổn ở Tây Phi: Người sáng lập ECOWAS ra lời kêu gọi khẩn thiết, Pháp muốn chỉnh đốn điều này

Ngày 21/2, người đồng sáng lập Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Tướng Yakubu Gowon của Nigeria đã kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các quốc gia xảy ra đảo chính.

Premium Times Nigeria đưa tin, tại một cuộc họp do ECOWAS tổ chức ở thủ đô Abuja của Nigeria, cảnh báo cộng đồng này đang đứng trước nguy cơ chia rẽ, ông Gowon kêu gọi các nhà lãnh đạo Tây Phi xem xét việc "dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Burkina Faso, Guinea, Mali và Niger".

Bên cạnh đó, tướng Nigeria cũng kêu gọi 3 nước Burkina Faso, Mali và Niger suy nghĩ lại về quyết định rút tư cách thành viên của họ.

ECOWAS rơi vào khủng hoảng sau khi Mali, Burkina Faso và Niger tuyên bố rút khỏi khối vào tháng trước. Khu vực này cũng bị rung chuyển bởi quyết định hoãn bầu cử của Tổng thống Senegal Macky Sall.

Tình trạng hỗn loạn ở Tây Phi đang đặt ra câu hỏi về vai trò của ECOWAS

Trong một diễn biến khác liên quan tình hình khu vực, hãng tin Anadolu cho hay, cũng trong ngày 21/2, đặc phái viên riêng của Tổng thống Pháp về châu Phi Jean-Marie Bockel đã có chuyến thăm thành phố Abidjan của Côte d'Ivoire, đề cập việc chỉnh đốn lại sự hiện diện của quân đội quốc gia châu Âu này ở đất nước Tây Phi.

Sau một giờ hội kiến với Tổng thống Côte d'Ivoire Alassane Ouattara, ông Bockel tuyên bố: “Đối với tôi, thuật ngữ chỉnh đốn có vẻ là thuật ngữ đúng đắn. Tinh thần là đưa ra các đề xuất, lắng nghe và sau đó là đối thoại để đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”.

Côte d'Ivoire được xem là một trong những đồng minh mạnh nhất của Pháp ở khu vực Tây Phi, nơi đóng quân của khoảng 900 lính Pháp thuộc Tiểu đoàn bộ binh thủy quân lục chiến số 43 (43 BIMa). Theo phía Pháp, triển vọng hợp tác giữa 2 bên về an ninh sẽ tập trung vào hỗ trợ năng lực cho lực lượng quân đội của Côte d'Ivoire.

Chuyến thăm của ông Bockel diễn ra trong bối Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giao nhiệm vụ cho quan chức này thảo luận với các nước đối tác châu Phi về hình thức hiện diện quân sự mới của Paris tại những nước này hôm 6/2.

Thời gian qua, quân đội Pháp lần lượt bị buộc phải rút quân khỏi các nước Mali, Burkina Faso và sau đó là Niger, 3 quốc gia Tây Phi hiện đang do các chính quyền quân sự nắm quyền lãnh đạo sau các cuộc đảo chính.

Chính quyền Pháp đã khẳng định mong muốn thay đổi sâu sắc mối quan hệ với châu Phi, nhấn mạnh rằng trên hết họ lắng nghe yêu cầu của các đối tác, đặc biệt là về các vấn đề an ninh.

Ngoài Côte d'Ivoire, 3 quốc gia châu Phi khác có căn cứ quân sự cũng bị ảnh hưởng do sự điều chỉnh hệ thống quân sự lần này bao gồm Senegal, Gabon và Chad.

Nguồn: Afamily; CafeF; Soha; Dân Trí; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang